A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MÁI TÓC TRONG TỤC NGỮ, CA DAO VIỆT Nguyễn Xuân Kính Viện Nghiên cứu văn hoá

                         Chị kia bới tóc đuôi gà

                        Nắm đuôi giật lại hỏi nhà chị đâu.

                         Nhà tôi ở trước đám dâu,

                        Ở sau đám bắp, đầu cầu ngó qua.

Ca dao là tiếng hát tâm hồn, tục ngữ là túi khôn của người dân Việt. Nói về mái tóc, trong số 12.487 lời ca dao cổ truyền (tức là trước Cách mạng tháng Tám năm 1945) được tập hợp lại trong bộ sách Kho tàng ca dao người Việt (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin tái bản năm 2001) có 122 lời, trong số 16.098 câu tục ngữ cổ truyền được tập hợp lại trong bộ sách Kho tàng tục ngữ người Việt (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin xuất bản năm 2002), có 31 câu.

 

Có nhiều lời ca dao thể hiện quan niệm của người xưa về mái tóc đẹp:

 

+                      Ba cô anh lạ cả ba

                        Bốn cô anh lạ cả bốn biết là quen ai?

Anh chỉ quen một cô da trắng tóc dài

Miệng cười như cánh hoa nhài nở nang.

                                                                    (B11, B là vần chữ cái, 11 là số thứ tự)

+                      Chân mày vòng nguyệt có duyên

                        Tóc mây dợn sóng đẹp duyên tơ hồng.                                  

                                                                                    (C627)

+                     Chị kia bới tóc đuôi gà

                        Nắm đuôi giật lại hỏi nhà chị đâu.

                         Nhà tôi ở trước đám dâu,

                        Ở sau đám bắp, đầu cầu ngó qua.

                                                                                    (C728)

 

Tóc dài, tóc xanh, tóc mây gợn sóng, tóc đuôi gà, tốt tóc xanh non là mái tóc đẹp của người phụ nữ xưa. Mái tóc đẹp ấy được chăm sóc kĩ càng:

 

+                      Mài dừa đạp cám cho nhanh

                        Ép dầu mà chải tóc anh tóc nàng

                        Mài dừa dưới ánh trăng vàng

                        Ép dầu mà chải tóc nàng tóc anh.

                                                                          (M15)

+                     Tóc em dài em cài hoa lí

Miệng em cười có ý anh thương.

                                                                           (T1191)

 

Tục ngữ rất ít khi nói về vẻ đẹp của mái tóc người phụ nữ, nhưng đã truyền lại kinh nghiệm chăm sóc tóc: “Tốt tóc gội cỏ mần trầu, sạch đầu thì gội lá sả”. Mần trầu là thứ cỏ có hoa mọc thành bông gồm năm, bảy nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung; sả là thứ cây cùng họ với lúa, mọc thành bụi, lá dài, hẹp và thơm. Muốn tóc tốt thì gội bằng nước đun với cỏ mần trầu, muốn đầu thơm sạch thì dùng nước đun với lá sả.

 

Cho đến trước cuộc vận động cắt tóc ngắn do phong trào Đông Kinh nghĩa thục (đầu thế kỷ XX) khởi xướng, mái tóc truyền thống của người đàn ông Việt cũng là tóc dài. Khi vua Quang Trung kêu gọi quân dân ta chiến đấu chống xâm lược Mãn Thanh, ông hô hào: “Đánh để cho đen răng, đánh để cho dài tóc” (đánh để giữ gìn răng đen, tóc dài, khác với người Trung Quốc là họ để răng trắng, tóc vấn đuôi sam). Tục ngữ ghi nhận vẻ đẹp thường nhật của tóc đàn ông Việt: “Búi tóc củ hành, đàn anh thiên hạ”.

Nói chung, tóc của phụ nữ thường dài hơn tóc nam giới. Mái tóc của cô thanh nữ đã làm biết bao chàng trai ngơ ngẩn:

 

Tóc đến lưng vừa chừng em bối (búi)

Để chi dài, bối rối dạ anh!

                                                     (T1190)

 

Trong các nước ở khu vực văn hoá Đông Á, thời phong kiến, con trai 20 tuổi, con gái 15 tuổi mới kết tóc để đội mũ hoặc để cài trâm. Lúc kết tóc ấy là vào tuổi lấy vợ lấy chồng. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du (1765 – 1820) viết:

 

                 Nói chi kết tóc xe tơ,

          Đã buồn cả ruột mà dơ cả đời.

 

Trong thơ ca dân gian, hơn một lần người bình dân sử dụng điển “kết tóc”:

 

+                      Anh đố em đếm hết sao trời

                        Đây anh kết tóc ở đời với em

                        Trên trời biết mấy muôn sao

                        Biết dạ anh ở thế nào mà mong.

                                                                   (A322)

+                     Bao giờ sum hiệp trước (trúc) mai

                        Lòng nguyền kết tóc lâu dài trăm năm.

                                                                    (B219)

 

Khi xưa, lúc thề non hẹn biển, các đôi trai gái thường cắt tóc thề bồi hoặc trao cho nhau làm kỷ vật:

 

+                     Cái miễu linh thiêng

Có bốn cây cột kiền kiền

Rui tre mè trắc

Đôi đứa ta trúc trắc

Cắt tóc thề nguyền

Lời thề nước biếc non xanh

Nhện giăng sóng dợn sao đành bỏ nhau.

                                                                       (C116)

+                     Đã thương cắt tóc trao tay

Tha hồ én liệng nhàn (nhạn) bay mái ngoài.

                                                                       (HPV 120)

           

Mái tóc cũng là một nội dung trong các cuộc hát đối đáp nam nữ có tính chất đùa vui:

 

+                     Đàn bà tốt tóc thời sang

Đàn ông tốt tóc những mang nặng đầu.

                                                                         (Đ70)

 

+                     Đàn ông tốt tóc là Tiên

                        Đàn bà tốt tóc nằm liền với ma.

(Đ96)

Câu này được ghi lại trong sách Nam âm sự loại (chữ Nôm), do Vũ Công Thành soạn năm 1925. Khi người Việt xưa hát vui như vậy không có nghĩa là họ chê mái tóc dày, tóc tốt của người phụ nữ thời ấy. Thậm chí, tóc mai xanh tốt, mượt mà là một dấu hiệu để các bậc cha mẹ và các chàng trai lựa chọn:

 

Cá tươi thì xem lấy mang

Người khôn xem lấy đôi hàng tóc mai.

                                                                        (C35)

 

Tục ngữ cho rằng, tóc rễ tre, tóc quăn là tóc không đẹp: “Tóc lăn quăn việc làm bối rối”, “Tóc quăn chải lược đồi mồi, chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn”. Còn nhận xét sau trong lời ca dao này đúng hay sai, thưa các chị:

 

Tôi đà biết vợ anh rồi

Quăn quăn tóc trước là người hay ghen.

                                                                        (T1250)          

 

Mái tóc đẹp là một bộ phận trong vẻ đẹp chung của con người: “Cái răng, cái tóc là góc con người” (tục ngữ). Trong ca dao, mái tóc đẹp được nhận diện cùng với má lúm đồng tiền, răng đen nhánh hạt huyền, con mắt có tình, cùng với nón thượng quai tua, cổ yếm tròn xinh, cùng với lời ăn, tiếng nói mặn mà, “nết ở khôn ngoan” (M595). Nếu nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã vẽ cảnh người thiếu nữ ngủ ngày một cách sắc sảo, táo bạo, khiến người quân tử dùng dằng đi chẳng dứt thì tác giả dân gian lại có cách thể hiện khác. Hình ảnh người thôn nữ tuy thắm tươi, giàu sức sống nhưng vẫn hồn hậu và kín đáo:

 

Em đi khắp bốn phương trời

Chẳng đâu lịch sự bằng người ở đây

Gặp người má đỏ hây hây

Răng đen rưng rức tóc mây rườm rà.

                                                                            (E60)

 

Câu này trong dân ca quan họ Bắc Ninh, các nghệ nhân nói năng bao giờ cũng lịch sự, nhún nhường, bên nam xưng là em và gọi những người bên nữ là liền chị, còn bên nữ thì cũng xưng là em và gọi bên nam là liền anh.

 

Mái tóc của người phụ nữ quý giá như vậy, nhưng dân ta đã kể rằng, ở một nhà kia, khi bạn của chồng đến nhà, không có tiền đãi khách, người vợ đã bán mái tóc của mình để cho chồng có thể thù tiếp bạn tri âm. Người vợ hiền thảo ngày xưa đã tận tụy với chồng con như thế đấy! Người dân xưa quan niệm rằng, cái đẹp không tách rời giá trị đạo đức, người phụ nữ đẹp phải là người biết nữ công gia chánh, chuyên cần lao động, sống có đạo đức:       

+                     Tóc dài những búi mà trưa

Ham chi người đẹp mà thưa việc làm.

                                                                         (T1185)

+                     Tóc dài thì tóc rụng đi

Tham người có nghĩa tham chi tóc dài.

                                                                         (T1186)

+                     Tóc dài thì tốn tiền chanh

Nào ai bán tóc nuôi anh bao giờ.

                                                                         (T1187)

Nói chung, mái tóc đẹp thường gắn với tuổi trẻ còn khi tuổi già thì “tóc bạc da mồi”, “tóc bạc mình gày”, “tóc bạc lưng gù”, “tóc bạc răng long”, thí dụ:

 

                         Ai vong thiếp cũng không vong

                         Ôm lòng chờ đợi dầu tóc bạc răng long cũng đành.

                                                                                          (D5)

           

Có nhiều câu tục ngữ, lời ca dao nếu không chịu khó tìm thì nhiều bạn trẻ ngày nay không giải thích được. Thí dụ, tại sao lại có câu tục ngữ: “Tốt tóc nhọc cột nhà”? Ngày trước, các bà, các cô tóc dài mỗi khi gội đầu, muốn cho tóc chóng khô để quấn tóc hay vấn khăn, thường có thói quen quật mái tóc nhiều lần vào cột nhà.

 

Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2010

 

 


Tags: 1141
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật